Chất lượng sức khỏe người Việt : Còn nhiều điều phải bàn

Ngày đăng: 02:23 PM 28/07/2020 - Lượt xem: 65

Năm 2015, theo công bố của 3 tổ chức: Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đứng thứ 62/145 trong bảng xếp hạng sức khỏe các nước có trên 1 triệu dân. Con số này phản ánh điều gì?

Bảng xếp hạng này được tính điểm theo cách lấy chỉ số sức khỏe trừ đi chỉ số nguy cơ sức khỏe. Chỉ số sức khỏe bao gồm tuổi thọ, nguyên nhân tử vong. Còn chỉ số nguy cơ sức khỏe căn cứ vào các tác nhân gây hại như tỷ lệ người trẻ hút thuốc, số người bị cholesterol cao và lượng kháng thể. Chúng ta cần phải quan tâm thêm chất lượng cuộc sống như chất lượng môi trường sống và chỉ số hài lòng về cuộc sống.

Điều đáng lo ngại là chúng ta đang đối mặt với nhiều tác nhân gây hại cho sức khoẻ. Trong đó, trung bình cứ 2 nam giới thì có một người hút thuốc, 33 triệu người không hút thuốc sẽ phải thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà. Mỗi năm có 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Con số này có thể tăng lên 70.000 người vào năm 2030. Việc sử dụng rượu bia cũng rất cao làm cho các bệnh lý về gan, mật tăng cao, tim mạch và đặc biệt là lượng cholesterol máu tăng cao…

Năm 2016, chiều cao và cân nặng của người Việt Nam luôn xếp top cuối trong bảng xếp hạng các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ số về uống rượu bia và hút thuốc lá lại xếp top đầu. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Đây là một thực trạng đáng lo ngại. Bên cạnh những ảnh hưởng đến sức khoẻ và chất lượng sống, gánh nặng kinh tế gây ra cực kỳ lớn. Sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông khiến cho tỷ lệ tai nạn giao thông tăng cao, gây thiệt hại về tính mạng và sức khoẻ của đa phần những người đang ở độ tuổi lao động chính, là gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.

Đặc biệt khi sử dụng thuốc lá, rượu bia kéo dài sẽ gây nghiện, gia tăng nhóm các bệnh không lây nhiễm và rất nhiều bệnh trực tiếp liên quan đến khói thuốc, suy nhược trí tuệ do ngộ độc tế bào não.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), khái niệm “khỏe mạnh” cần được hiểu với nội hàm mở rộng, có nghĩa được đánh giá theo “chất lượng cuộc sống” hơn là “tuổi thọ” của dân số. Vậy chất lượng sức khỏe người Việt Nam đã thực sự cao  so với thế giới?

Mặc dù theo khảo sát thì đất nước ta đang ở top giữa nhưng tôi thấy đây là con số chưa cao, chưa khả quan, tức là chất lượng sức khỏe của người Việt Nam vẫn còn nhiều điều phải bàn.

Thực tế, tuổi thọ của người dân chưa được nâng lên, trong khi đó những nguy cơ có hại cho sức khoẻ vẫn rất cao và ngày càng gia tăng. Trong đó, việc sử dụng thực phẩm hàng ngày không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn tồn tại. Đặc biệt, thời gian gần đây phát hiện ra nhiều vụ sản xuất rượu bia, thực phẩm giả kém chất lượng.

Ở các vùng nông thôn còn ít hiểu biết chung về sức khoẻ, bệnh dịch và đặc biệt là chưa quan tâm đến khám sức khỏe định kỳ, khi phát hiện bệnh thường đã ở giai đoạn muộn.

chat luong suc khoe nguoi viet con nhieu dieu phai ban
Cần thay đổi nhận thức của người dân trong việc khám sức khỏe định kỳ. (Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo)

So với các nước trên thế giới, dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đã thực sự đáp ứng yêu cầu hay chưa, thưa bác sĩ?

Về chất lượng chuyên môn và trình độ y tế, có thể khẳng định đội ngũ y tế, đặc biệt là y tế chuyên sâu của chúng ta không thua kém các nước trong khu vực hay một số nước phát triển. Trong đó, can thiệp tim mạch và phẫu thuật tim mạch, ghép tạng, phẫu thuật tuyến giáp của chúng ta rất tốt. Đặc biệt, chuyên gia của nước ta còn được mời đi giảng bài, mổ trình diễn, can thiệp giúp đỡ các nước bạn trong khu vực.

Về cơ sở vật chất, đúng là chúng ta có quá tải ở các cơ sở y tế lớn, uy tín và chuyên sâu. Vì vậy, theo tôi nghĩ cần có các giải pháp đồng bộ để hạn chế khoảng cách y tế cơ sở và y tế chuyên sâu, đầu tư xây dựng các cơ sở y tế nhiều hơn nữa, trang bị y tế hiện đại phù hợp với xu thế phát triển. Trong đó, nước ta nên chú trọng đào tạo đội ngũ y bác sĩ tuyến cơ sở cũng như có chính sách y tế đúng để tuyến trên chi viện chuyên môn cho tuyến dưới.

Về quản lý sức khỏe, cần lập hồ sơ sức khoẻ toàn dân, phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình, nâng cao tuyên truyền khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện bệnh sớm. Tôi nghĩ, cần có chính sách cụ thể, thiết thực nâng cao đời sống cán bộ y tế, đãi ngộ y tế và đặc biệt là luật bảo vệ nhân viên y tế khi họ đang trực tiếp tham gia chăm sóc người bệnh và đối mặt với dịch bệnh.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ hiện đang là giảng viên bộ môn Ngoại, Đại học Y Hà Nội. Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Y Hà Nội; Phó Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh - cột sống và chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Chủ tịch CLB Thầy thuốc trẻ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Tâm lý chung của đa phần người dân thường chỉ khi bệnh nặng mới đi gặp bác sĩ, cho thấy ý thức chăm sóc sức khỏe theo định kỳ của người dân còn thấp. Đến bao giờ chúng ta mới thay đổi được tâm lý này?

Theo thống kê cho thấy, khoảng 3/4 số người đi khám ung thư được chẩn đoán là ung thư giai đoạn cuối, lúc này bệnh đã di căn và khó có thể chữa khỏi. Nếu như các bệnh nhân thường xuyên đi khám bệnh định kỳ có thể phát hiện ra sớm và có cơ hội sống thêm vài năm nữa.

Các cơ quan nhà nước đã có chính sách khám chữa bệnh định kỳ, tuy nhiên ở các vùng nông thôn, ngoại thành vẫn ít được quan tâm đúng mực. Theo tôi, để cải thiện tình hình, cần phải có tuyên truyền sâu rộng đến toàn dân. Đặc biệt, nên đưa chương trình giáo dục sức khỏe vào học đường và có chế tài xử phạt rõ ràng đối với các hành vi làm tổn hại đến sức khoẻ người khác.

chat luong suc khoe nguoi viet con nhieu dieu phai ban
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Vũ báo cáo tại Hội nghị Cột sống Bắc Mỹ tại Mỹ năm 2016. (Ảnh: NVCC)

Xã hội hiện đại kèm theo những hệ lụy như ô nhiễm môi trường, áp lực công việc, con người ít vận động, chế độ ăn uống không hợp lý đã làm ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe người Việt Nam. Trong những năm tới, chúng ta cần có đề xuất, chỉ tiêu gì về sức khỏe để nâng cao và bắt kịp với thế giới, thưa bác sĩ?

Trước mắt, chúng ta cần nâng cao tuổi thọ và chất lượng cuộc sống bằng cách tuyên truyền sâu rộng về việc phòng chống dịch bệnh, tổ chức các chương trình khám chữa bệnh về các vùng sâu, vùng xa. Bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Người dân được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần.

Để giảm tỷ lệ mắc bệnh tật, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ, nâng cao chất lượng dân số, theo tôi, cần nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến. Đồng thời, giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.

Phát triển y tế phổ cập, bác sỹ gia đình, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao phủ y tế toàn dân kết hợp với phát triển y tế chuyên sâu, tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Phát triển y tế ngoài công lập, tăng cường phối hợp công - tư. Hiện đại hoá và phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế, máu, chế phẩm máu và trang thiết bị y tế có chất lượng với giá cả hợp lý. Đồng thời, quản lý, sử dụng thuốc và trang thiết bị an toàn và hiệu quả. Từ đó, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của người dân.

Tuyên truyền đẩy lùi các nguy cơ sức khoẻ như hạn chế sử dụng rượu bia, cấm hút thuốc lá ở trường học, bệnh viện và nơi công cộng; cải thiện môi trường sống bằng cách hạn chế ô nhiễm môi trường, quản lý nguồn thực phẩm…

Có thể nói, những vấn đề này cần có sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành. Nhà nước cần có chế tài xử phạt nặng, lập hồ sơ sức khoẻ toàn dân để quản lý mô hình bệnh tật cũng như phát hiện sớm bệnh tật.